Hiện tượng hồi dương ở người chết có lẽ không còn quá xa lạ với nhiều người bởi hiện tượng này xảy ra khá nhiều, đặc biệt là với những người bệnh nặng sắp chết, bỗng họ đột nhiên khỏe lại, ăn uống, đi lại bình thường nhưng chỉ hôm sau, họ đã bất ngờ qua đời.
Hiện tượng hồi dương được nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, khi còn sống con người với một cơ thể khoẻ mạnh và hệ thần kinh hoàn hảo đã liên tục phát ra những sóng điện từ với rất nhiều tần số khác nhau. Đã có nhà khoa học cho rằng, những sóng điện từ này có bản chất giống như những tia phóng xạ và nó tăng lên khi hoạt động của cơ thể ở trong những trạng thái đặc biệt như: khi đang kề cận cái chết, tình trạng lên đồng hay ảnh hưởng của một số hoá chất. Ở trong tình trạng này, những chất morphin nội sinh sẽ sản xuất ra nhiều và gây nên tình trạng cận sinh mà khoa học ngày nay vẫn chưa thể hiểu hết được.
Bản năng sinh tồn của con người là rất mạnh, nhiều khi nó giúp cơ thể vượt qua được những tình trạng thập tử nhất sinh. Đây là một bản năng tự nhiên, không hề phụ thuộc vào hoàn cảnh, môi trường sống hay việc con người đó có được rèn luyện học tập về khả năng này không.
Trong tình trạng hoạt động nội sinh của cơ thể và các phản ứng hoá học tăng cao, có thể sinh ra những hiện tượng bí ẩn mà từ xưa con người đã biết đến gọi là “hiện tượng hồi dương”. Hiện tượng này tạo ra một số hiệu ứng sinh học như con người có thể tỉnh lại, hiện tượng thần giao cách cảm… Giống như ngọn nê-on sắp tắt, những đốm lửa cuối cùng cố gắng loé sáng chiếu rọi cho cuộc đời một niềm tin vô tận vào sự bất diệt của muôn loài.
Nói đến cái chết, trong y học quan niệm có hai hình thái cơ bản của cái chết, đó là chết lâm sàng và chết thật sự. Hiện tượng chết lâm sàng xảy ra khi bệnh nhân được coi như đã lìa đời với nhịp tim không đếm được, không có hiện tượng hô hấp, có nghĩa là bệnh nhân không còn thở nữa. Tuy nhiên hoạt động của não bộ thì vẫn còn, tương đồng với việc điện não đồ vẫn còn ghi nhận những sóng đặc trưng cho sự sống của con người.
Phần lớn những trường hợp gọi là người chết sống lại hay hiện tượng hồi dương đều xảy ra ở những tình huống chết lâm sàng này. Còn những trường hợp chết thật sự, cái chết được xác định rõ ràng bằng điện tim, điện não và các dấu hiệu sinh học khác. Ngoài ra còn phải làm lại sau 6 giờ như luật pháp của một số nước tiên tiến quy định. Các xét nghiệm này đều phải cho thấy thật sự người chết đã về cõi vĩnh hằng thì cái chết đó mới được coi là chết thật sự.
Trước đây khi còn là thầy thuốc trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi cũng đã chứng kiến vài lần hiện tượng hồi dương ở một số bệnh nhân nặng kề cận cái chết. Điển hình là những bệnh nhân bị ung thư gan, có nhiều người đã rơi vào tình trạng hôn mê rất nặng, nhịp thở yếu, tim nghe rời rạc, mạch không bắt được, huyết áp bằng không. Bệnh nhân được người nhà xin về để tránh chết ở bệnh viện theo tập tục truyền thống của người Á đông, sau khi đã được các thầy thuốc và nhân viên y tế tận tình giải thích.
Nhưng thật kỳ lạ, hôm sau tôi được mời đến xem bệnh và chứng kiến một hiện tượng hy hữu: bệnh nhân ngồi dậy, tỉnh táo hoàn toàn và đòi ăn cháo. Có trường hợp còn đòi xuống giường tập thể dục và gặp người thân. Thấy hiện tượng trên, tôi vừa mừng cho gia đình người bệnh và thật sự lo lắng không biết mình và các đồng nghiệp đã có gì nhầm lẫn trong chẩn đoán hay không? Đang lúc nỗi lo còn chưa tan thì qua hôm sau, tôi được người nhà cho biết bệnh nhân đó đã chết sau khi ăn miếng cháo cuối cùng của cuộc sống.
Việc hồi dương là có thật và người chết sống lại cũng là có thật, không phải chuyện mê tín dị đoan. Tuy nhiên chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ những người sau khi sống lại là thật sự sống, còn lại đều ra đi một thời gian ngắn sau đó. Nhiều chuyện kiện cáo vô bổ đã xảy ra, rốt cuộc đều cho thấy chỉ có người chết là khổ nhất còn người sống thì bi hài đủ kiểu.
Để tránh những rắc rối này, các nước phát triển trên thế giới đều có những quy định rất chặt chẽ về việc xác định cái chết của con người. Nhiều trường hợp đòi hỏi phải có sự chứng kiến của những người đại diện cho pháp luật. Việt Nam cũng đã có những quy định tương tự như thế. Ngẫm cho cùng, đó cũng là một cách để cho mỗi người có một cái chết tự tại, thuận theo quy luật tạo hoá...
Nguồn: Dantri